Lênh đênh vịnh Vân Phong, khám phá Điệp Sơn Thủy Đạo
Vượt Đèo Cả, chúng tôi đặt chân đến địa phận tỉnh Khánh Hòa vừa đúng giấc trưa, cả đoàn quyết định men theo quốc lộ 1A chạy tiếp vào tt.Vạn Giã, huyện Vạn Ninh tầm 25km nữa. Sau khi hỏi đường và lần mò ra cảng cá Vạn Giã, các thành viên đã thống nhất giờ ra đảo sau bữa cơm trưa vội, gửi xe tại một khách sạn gần cầu cảng và bắt chuyến tàu của ngư dân ra đảo mất 45 phút.
Hoặc đối diện cảng Vạn Giã có đường hẻm rộng, chạy vào đó chừng 100m có chỗ gửi xe qua đêm. Từ đây có tàu đi Điệp Sơn, thời gian thì tùy theo con nước mỗi ngày, giờ tàu về đất liền tầm 5 ~ 6 giờ sáng. Tàu ngư dân chạy giờ giấc không cố định, nếu đi dạng này bạn dễ bị kẹt lại ở đảo.
Bắt chuyến tàu trưa và lòng háo hức đặt chân lên đảo
Thôn đảo Điệp Sơn (hay còn gọi là Hòn Bịp - xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) là một dãy gồm 3 đảo nhỏ, nằm chơi vơi trong vùng biển thuộc vịnh Vân Phong. Địa danh này nổi bật và gây dấu ấn với khách du lịch bằng một con đường mòn kéo dài gần 800m nối giữa hai hòn đảo trong dãy đảo Điệp Sơn, có thể được xem là độc nhất vô nhị tại Việt Nam. Đây là “địa điểm vàng” tiềm năng hứa hẹn sánh ngang với tứ bình nổi tiếng ở Khánh Hòa: Bình Ba – Bình Hưng – Bình Lập – Bình Tiên.
Dù rất gần bờ, nhưng nơi đây còn giữ nhiều nét hoang sơ bình dị, mỗi ngày chỉ có điện 3 tiếng, không có xe máy. Đến đảo thì chúng tôi hỏi đường đến nhà chú Mẫn - trưởng thôn báo cáo, xin phép lưu trú qua đêm, rồi qua gặp anh Pha - trưởng công an để làm thủ tục nhập đảo.
Thôn đảo Điệp Sơn hoang sơ bình dị và đầy ắp tiếng cười.
Trước khi trời tối, điều chúng tôi cần làm là phải mua hải sản của người dân, mượn vật dung, thu lượm củi khô nấu ăn và tìm một nơi cắm trại qua đêm. Không đâu lý tưởng hơn khu vực bãi cát trắng nơi điểm đầu nối liền hai bờ thủy đạo, thủy triều rút càng làm cho bãi cát dài ra và bằng phẳng, đâu đó dưới mặt nước kia có những rặng đá nhấp nhô trên sóng nước.
Thu lượm củi khô nấu ăn và tìm một nơi cắm trại qua đêm
Nói một cách công bằng thì biển Điệp Sơn vẫn còn sạch chán so với những hòn đảo khác ở Việt Nam, túi ni lông và rác nhựa không nhiều nhưng xác rong chết tấp vào bờ thì cũng kha khá, dọn rác trở thành một niềm vui mới trong hành trình của chúng tôi.
Dọn dẹp sạch sẽ cho các bạn trẻ vui chơi.
Có lẽ điều thôi thúc chúng tôi muốn đặt chân lên đảo là Điệp Sơn Thủy Đạo, con đường mòn chìm dưới mặt nước biển kéo dài gần 800m nối liền 2 hòn đảo lớn nhỏ trong dãy Điệp Sơn, có thể xem là độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Mỗi ngày, thủy triều rút, còn đường cát xuất hiện, khi triều dâng, đường nằm chìm dưới mặt nước biển khoảng 1m, chính lúc này, chúng tôi thích thú tận hưởng cảm giác đi giữa biển cả mênh mông trên con đường đặc biệt.
Địa điểm cắm trại lý tưởng giúp chúng tôi ngắm trọn hoàng hôn Điệp Sơn, đâu đó vẫn còn chuyến ghe chiều vội vã trở về ăn cơm cùng gia đình.
Ghe thuyền vội vã về ăn cơm khi hoàng hôn buông xuống.
Màn đêm buông xuống, xóm làng Điệp Sơn lại chìm trong không gian yên bình, chúng tôi cùng quây quần bên bếp lửa để chuẩn bị bữa tiệc hải sản của chính mình. Thực đơn thì đơn giản thôi: một nồi cháo mực, kèm thêm vài món ốc nướng, bánh mì mang theo, một ít salad trộn và một chai rượu Chivas để nhâm nhi trong màn đêm tĩnh lặng.
Quây quần bên bữa tiệc hải sản của chính mình.
Buổi sáng thức dậy, ngồi trong lều ngắm trọn vẹn bình minh trên đảo, chúng tôi bắt đầu thu dọn lều trại và đồ đạc mang theo, cuốc bộ tham quan một vòng quanh đảo trước khi vào đất liền. Một góc chợ nhỏ vào buổi sáng, có lẽ đây là nơi tập trung nhiều phụ nữ và trẻ em nhất của đạo, trên đảo nhưng bánh mì thịt và bánh canh chả cá rất ngon.
Trên đảo nhưng bánh mì thịt và bánh canh chả cá rất ngon.
Được trò chuyện với anh Pha trưởng công an, chúng tôi biết rằng Điệp Sơn mới phát triển du lịch trong vòng 2 tháng trở lại đây. Cảm ơn anh Quỷ Cốc Tử đã có bài viết về một Điệp Sơn còn hoang sơ và yên bình.
Bình mình lên, làng chài Điệp Sơn bình yên buổi sớm mai.